Bạn cần phải chuẩn bị gì để du học Tây Ban Nha?(Phần 2)

05/10/2018

Xin chào các bạn, lại là mình đây. Và hôm nay mình xin phép được viết thêm đôi dòng cho part 2 của mình về vấn đề du học Tây Ban Nha.

Chúng ta đã kết thúc part 1 của chủ đề này lần trước bằng việc chia sẽ thông tin học phí của các trường tại xứ sở bò tót. Hôm nay, để tiếp tục tiếp nối bài viết, mình sẽ chia sẻ một chút với mọi người về lịch sử cũng như sự khác biệt về văn hóa một chút của từng vùng, từng thành phố tại Tây Ban Nha.

Thật ra, nếu bạn là một người yêu thích Địa Lý, thì việc lựa chọn Tây Ban Nha để học tập là một quyết định...chính xác đến...101% luôn. Vì Tây Ban Nha giáp với Địa Trung Hải về phía Đông và Nam, giáp với vịnh Biscay cùng Pháp ở phía Bắc và Andorra về phía Đông Bắc (2 nước này cực đẹp luôn), còn về phía Tây là Bồ Đào Nha, và phía Tây Bắc là Đại Tây Dương. Thế nên bạn có thể đi du lịch đến các nước này cực kì dễ dàng. Andorra rất đẹp vào mùa thu và đông, trong khi Bồ Đào Nha với Porto và Lisbon lúc nào cũng làm si mê lòng người. Pháp thì quá nổi tiếng rồi, phải không?

Ngoài ra, một tin vui nữa với những bạn sinh viên thích du học đó là Tây Ban Nha còn có biên giới với Ma Rốc, một quốc gia ở Phi Châu, nên việc du lịch từ Tây Ban Nha sang lục địa đen cũng không gặp bất kỳ trở ngại gì (mình từng bạn đi Nigeria và Algeria từ Tây Ban Nha). Bay từ Barcelona đến Maroc có thể hơi xa, nhưng các vùng khác của Tây Ban Nha, có nơi chỉ tầm khoảng 1-2 tiếng (như Malaga) chẳng hạn.

 Tây Ban Nha là một quốc gia mà về mặt kết cấu tổ chức, người ta thường gọi là "Estado de Las Autonomias", tạm dịch qua tiếng Việt là Quốc gia của những vùng tự trị. Nói nôm na là quốc gia phân quyền tự quản, mỗi vùng một ý, một sắc thái văn hóa, thậm chí là một...ngôn ngữ riêng (tất nhiên ngoài ngôn ngữ của vùng thì tiếng Castellano họ nói khá tốt). Castellano là dạng tiếng Tây Ban Nha phổ thông, giống kiểu tiếng Kinh của mình vậy.

Cho đến hiện tại, theo hiến pháp thì Tây Ban Nha có 17 cộng đồng tự trị, và 2 thành phố tự trị với các mức độ khác nhau,tất nhiên dù mức độ tự trị thế nào thì trong hiến pháp đã quy định rất rõ ràng về tính thống nhất không thể tách rời của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, mình nghĩ điều này cũng tạo ra 2 mặt. Trong suốt khoảng thời gian ở Barcelona, hay đi xuống các vùng như Terrassa, Girona, theo cảm nhận của mình thì hầu như người dân ở 3 thành phố này, không một ai giới thiệu rằng họ...là người Tây Ban Nha, mà họ giới thiệu rằng bản thân họ đến từ Catalan, và Catalan cũng được xem là...1 dân tộc. Thế nên mới có chuyện cho đến năm 2018, thi thoảng ở Barcelona và các vùng lân cận, những cuộc biểu tình đòi độc lập, tách khỏi Madrid (thủ đô) và Tây Ban Nha của người dân nơi đây vẫn hay xảy ra.

Ngoài Catalan thì ở Tây Ban Nha còn có các dân tộc như Galicia, xứ Basque và Andalucia. Dần dần, các cộng đồng nhỏ hơn sau này cũng lây danh nghĩa tự trị như Valencia, Canaria, Baleares và Aragon.

Mặc dù có sự khác biệt tương đối giữa các cộng đồng tự trị, tuy nhiên Tây Ban Nha lại là một quốc gia khá tự do về tôn giáo. Xứ sở bò tót không có một quốc giáo nào, và mọi người được tự do hành lễ hoặc tin tưởng theo ý nguyện cá nhân của mình.

Một tin vui nữa là quốc gia nằm ở Âu Châu này được xem là quốc gia có mức độ tự do vào hàng cao nhất thế giới, đối với cộng đồng LGBT. 88% xã hội ủng hộ cộng đồng LGBT nam theo số liệu của trung tâm nghiên cứu PEW khảo sát vào năm 2013.

Tạm thời viết 1 bài ngắn về Tây Ban Nha cho các bạn thưởng thức. Nhìn chung thì nếu các bạn đã xác định du học Tây Ban Nha, mà lại còn thích du lịch, khám phá vẻ đẹp cổ kính nữa thì xứ sở bò tót chắc chắn không phải là sự lựa chọn sai lầm của các bạn rồi đó. Tin mình đi, đi một lần là mê luôn.

Còn giờ hả? Mình lười quá, ngủ chút lát dậy viết tiếp nha!

© 2017 Liam Nguyen's blog. All rights reserved.
Powered by Webnode
Create your website for free! This website was made with Webnode. Create your own for free today! Get started